Những linh hồn ở K’nak và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Tin đăng ngày: 24/1/2020 - Xem: 859
Anh Mẫn (bên phải) và Bích Hằng tại nghĩa trang liệt sĩ K’Bang.Trong trận đánh K’nak tại Tây Nguyên, 400 chiến sĩ Quân giải phóng cùng với hàng trăm du kích, dân công đã hy sinh. Sự thật bi tráng này sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn dưới dòng Đắk Lốp nếu không có hành trình tìm anh trai đầy nước mắt của anh Phạm Văn Mẫn.Trong kỳ trước của phóng sự, tôi có nhắc đến công lao của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng với việc dựng lại sự thật lịch sử của trận đánh K’Nak ở Tây Nguyên đầy bi tráng. Trong trận đánh này, 400 chiến sĩ Quân giải phóng cùng với hàng trăm du kích, dân công đã hy sinh dưới mưa bom bão đạn của địch.
Sự thật bi tráng này sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn dưới dòng Đắk Lốp nếu như không có sự phát hiện của các nhà ngoại cảm và hành trình tìm anh trai đầy nước mắt của anh Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Công ty S-fone. Sau khi bài báo phát hành, anh Mẫn và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng gọi tôi đến để cung cấp thêm những sự thật lịch sử và câu chuyện hết sức kỳ lạ này.
Tại ngôi nhà 34 Hòa Mã, Hà Nội, vào ngày 7/3/2007, trong khói hương nghi ngút, trầm mặc, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chắp tay trước bàn thờ, nói giọng nghèn nghẹn: “Kính mong anh Thành và vong linh các liệt sĩ phù hộ để các nhà ngoại cảm tìm được nốt những liệt sĩ còn nằm dưới dòng Đắk Lốp và trong rừng rậm K’Nak ở Tây Nguyên…”.
Anh Phạm Văn Mẫn cũng chắp tay, nói với giọng thành kính: “Dù tìm thấy anh rồi nhưng em sẽ vẫn tiếp tục đi tìm những liệt sĩ còn nằm lại ở K’Nak. Hàng năm, em vẫn thực hiện lời anh dặn là vào K’Bang trong những ngày lễ, ngày thương binh – liệt sĩ để thắp hương cho các liệt sĩ còn chưa tìm thấy hài cốt để các liệt sĩ đỡ cô quạnh.
Cả nước sẽ chung tay đóng góp xây dựng đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ K’Bang để người đời sau không quên các anh, các bác, các chú đã phải đổ xương máu như thế nào để đất nước có được như ngày hôm nay…”.
Trở lại hành trình đi tìm mộ liệt sĩ đầy nước mắt của anh Phạm Văn Mẫn. Anh Mẫn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định. Năm 1964, khi Mẫn mới 10 tuổi, người anh Phạm Văn Thành lên đường nhập ngũ.
Anh đi giữa lúc chiến trường vô cùng ác liệt. Gia đình chưa nhận được một lá thư, một dòng nhắn gửi thì đã nhận được giấy báo tử. Sét đánh ngang tai, người mẹ già im lặng, chiều chiều ra gốc đa đầu làng ngồi khóc, vái lạy về phương Nam.
Cậu bé Mẫn thương anh mắt nhòe lệ. Cậu vẫn nhớ cái ngày anh Thành lên đường nhập ngũ. Lúc lên xe, anh đã dúi vào tay Mẫn nắm cơm, khẩu phần ăn mà đơn vị đã phát cho anh trước lúc lên đường.
Ngay khi đất nước thống nhất, dù mới 21 tuổi, Mẫn vẫn quyết chí ngang dọc Nam – Bắc đi tìm anh, cho dù trên tay chỉ có vẻn vẹn một thông tin: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Ngày đó, có một nhân chứng, hiện đã 80 tuổi nói mơ hồ rằng: “Có thể liệt sĩ Phạm Văn Thành đã được an táng vào nghĩa trang nào đó rồi”.
Lúc bắt xe khách, khi đi xe máy, lúc thì cuốc bộ dọc đường Trường Sơn, hễ gặp nghĩa trang nào là anh Mẫn cũng rẽ vào và lần từng ngôi mộ để tìm tên Phạm Văn Thành. Suốt bao nhiêu năm trời, cứ kiếm được đủ tiền tàu xe, anh lại lên đường.
Nhiều khi cũng nản, nhưng mỗi lần về thăm quê, lại gặp người mẹ già ngồi ở gốc đa đầu làng, đón anh hỏi về thông tin phần mộ anh Thành, anh lại quyết tâm hơn. Những tháng năm vất vả tìm anh trai, thương mẹ già ngóng đợi khiến mái tóc anh Mẫn bạc sớm. Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 50, những sợi tóc trắng đã trùm kín mái đầu.
Năm 1990, khi vào nghĩa trang Vĩnh Thạnh (Bình Định), anh thấy một ngôi mộ đề: Liệt sĩ Phạm Văn Thành, không quê quán, không ngày mất. Không hiểu vì sao, khi tìm thấy ngôi mộ này, lòng anh trào dâng xúc động và rất tin tưởng đây là người anh trai của mình.
Tuy nhiên, khi trình bày nguyện vọng được đưa hài cốt “anh trai” về thì người quản trang từ chối kịch liệt, bởi anh không đưa ra được bằng chứng nào khẳng định đây là ngôi mộ của anh trai anh. Còn liệt sĩ có tên Phạm Văn Thành thì ở nước ta có đến cả trăm.
Không có cách nào thuyết phục được người quản trang, anh Mẫn tiến hành… đào trộm. Đêm ấy, nai nịt gọn gàng, cuốc xẻng sắc lẹm, đợi khi người quản trang ngủ say, anh lẻn vào nghĩa trang.
Khi vừa chuẩn bị đào mộ thì mây mù ùn ùn kéo đến che lấp ánh trăng, giông gió nổi lên, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước khiến anh không thể tiến hành đào mộ. Đêm hôm sau, anh thuê thêm vài người nữa, cũng lẻn vào nghĩa trang lúc ban đêm để đào trộm.
Đêm hôm đó giông gió cũng lại nổi lên, sấm chớp đùng đùng, một tia sét đánh thẳng xuống khu nghĩa trang khiến mọi người chạy tán loạn. Không nhụt chí, anh lại tiếp tục tiến hành đào trộm khi đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Lần này, dù trời có mưa cũng quyết chí phải bốc được hài cốt anh lên đưa về quê hương. Thế nhưng, đang đào dở thì bị người quản trang vác gậy đuổi. Ngẫm lại mọi sự kiện xảy ra, anh Mẫn nghĩ rằng: phải chăng người nằm dưới mộ không phải anh mình nên đã ngăn không cho mình mang về?
Thất vọng với suy nghĩ ấy, vả lại người quản trang đã tỉnh táo hơn, nên không còn cách nào đào trộm được, anh đành phải ra Bắc.
Một thời gian sau, lại có một nhân chứng khẳng định: Anh Thành phải được an táng ở Tây Nguyên chứ không phải ở Bình Định. Thế rồi, anh Mẫn lại tìm được ngôi mộ trong một nghĩa trang ở Tây Nguyên, ghi: Trần Văn Thành, quê miền Bắc, hy sinh năm 1965.
Quê miền Bắc và năm hy sinh đã đúng, nhưng liệt sĩ này lại là họ Trần chứ không phải họ Phạm. Với suy nghĩ, giấy báo tử có khi còn nhầm tên họ, huống chi là tấm bia mộ, nhầm lẫn là chuyện thường, nên anh rất tin người nằm dưới nấm mồ này là anh trai mình.
Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp.
Cũng lại như lần trước, người quản trang nhất định không cho anh mang hài cốt về. Lúc này, anh đã có nhiều “kinh nghiệm” đào trộm mộ nên anh tin chắc sẽ thành công.
Sau khi báo cáo với gia đình, chính quyền xã Xuân Trung về việc… tìm thấy mộ liệt sĩ Phạm Văn Thành, anh Mẫn tiếp tục lên đường vào Tây Nguyên. UBND xã đã chuẩn bị mọi thủ tục để tổ chức thật long trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Trong chuyến đi ấy, chiếc xe khách anh Mẫn ngồi không hiểu sao đang chạy tự dưng quay ngang ra giữa đường rồi chết máy. Mấy lần đào mộ cũng vậy, đều gặp mưa gió, sấm chớp khiến anh không thể đào được.
Sau một lần bị người quản trang tóm được dọa báo với công an thì cũng hết hy vọng đào trộm luôn. Anh Mẫn nghĩ rằng, những lực cản vô hình đó đã nhắc nhở anh rằng đó không phải là ngôi mộ của anh trai mình.
Đến năm 2000, sau khi việc tìm kiếm ở các nghĩa trang bế tắc, anh Mẫn quyết định đi tìm gặp toàn bộ nhân chứng ở Quân khu V, từng biết đến trận đánh ở K’Nak để nắm thông tin chính xác hơn.–PageBreak–
Anh đã gặp được rất nhiều người ở mọi miền Tổ quốc, trong đó, lưu tâm nhất là cựu chiến binh Nguyễn Trọng Ẩm, nguyên Tiểu đoàn phó, phụ trách hậu cứ. Ông Ẩm khẳng định chính tay ông đã đào hố an táng anh Thành cùng 7 liệt sĩ khác. Một vài nhân chứng nữa cũng khẳng định giống nhau là đã kéo được thi thể anh Thành và 7 liệt sĩ nữa ra khỏi trận đánh và chôn cách mép suối Đắk Lốp 25 m, gần trạm Trung phẫu.
Thế là hành trình đào đất tìm mộ vô cùng gian khổ đã diễn ra. Cứ mỗi năm 5-6 lần, anh Mẫn lại “trốn” cơ quan vào biệt Tây Nguyên, lội bộ trong rừng mấy tiếng đồng hồ tìm đến dòng Đắk Lốp. Mỗi lần vào Tây Nguyên, anh lại tổ chức đón các cựu chiến binh cùng đi, những người từng tham gia trận đánh và biết về nơi chôn cất anh Thành.
Các nhân chứng đều đã già yếu, trí nhớ giảm sút nên không nhớ chính xác địa điểm chôn vì sau 40 năm địa hình, địa vật đã thay đổi quá nhiều. Dòng Đắk Lốp khi xưa giờ đã bị chặn lại làm đập thủy điện và dự trữ nước. Thậm chí, cả trạm Trung phẫu giữa rừng khi xưa họ cũng không nhớ chính xác chỗ nào nữa.
Tát biển mò kim, anh Mẫn cứ căng dây từ mép suối lên bìa rừng 25 m rồi đào sâu xuống lòng đất 2 m. Sau nhiều lần đào bới, một con hào có chỗ rộng đến gần 1 mét, dài hơn 500m hình thành bên dòng Đắk Lốp, anh Mẫn tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền của, nhưng tuyệt nhiên không thấy bộ hài cốt nào.
Cũng từ những năm tháng bỏ công sức đi tìm anh trai, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử mà anh Mẫn mới biết đến một trận đánh khốc liệt năm xưa. Và cũng chính từ cuộc đi tìm mộ đầy gian khổ của anh Mẫn mà bức màn bí mật về trận đánh khốc liệt ở K’Nak đã được vén lên.
Cụm cứ điểm K’Nak nằm trên một mỏm núi, thuộc huyện K’Bang (Gia Lai), cách phía bắc thị trấn An Khê khoảng 25 km đường ôtô, 10 km đường rừng và vài giờ đi bộ. Mỏm núi này được bao bọc bởi các thung lũng, khe suối, sình lầy, có tác dụng cản đường tiến quân, tập kích của đối phương.
Từ căn cứ này, qua đường không, địch có thể nhanh chóng kiểm soát các hướng di chuyển của ta từ Bắc vào Nam và từ miền Trung lên Tây Nguyên. Bằng đường bộ, địch có thể tập kích vào các hướng di chuyển của quân ta từ Bình Định lên Pleiku.
Tại đây, quân địch đã xây dựng một cụm cứ điểm bao gồm đồn lũy, trận địa pháo và nhiều hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc để bảo vệ. Cách mỏm núi 2 km có mỏm núi cao hơn, được chúng san bằng làm bãi đáp máy bay trực thăng và một trận địa pháo binh chi viện cho K’Nak, cũng cách cứ điểm hơn 2 km.
Tại cứ điểm K’Nak luôn có một tiểu đoàn, khoảng 450 đến 500 tên chiếm đóng, canh giữ nghiêm ngặt. Quân ta đã nhiều lần tấn công cụm cứ điểm này nhưng toàn bị địch đánh bật trở ra.
Đầu năm 1965, Bộ tư lệnh Quân khu V và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng với quy mô lớn nhằm tấn công san phẳng cứ địa này.
15h ngày 7/3/1965, quân ta xuất phát từ căn cứ Kong Hà Nừng (Vĩnh Thạnh) tiến về địa điểm tập kết đông K’Nak. 18h, quân ta tiến đến sát suối Đắk Lốp và 19h thì tiếp cận mục tiêu. Tất cả các vị trí đều đã triển khai theo kế hoạch, chỉ còn chờ hiệu lệnh là tấn công, chiếm lĩnh các điểm trọng yếu rồi đánh xốc vào trung tâm căn cứ, khiến địch không kịp triển khai không lực.
Tuy nhiên, vào lúc 23h30’, bộ đội ta vấp phải mìn nổ, mìn sáng. Địch lập tức nhả đạn pháo trùm lên toàn bộ đội hình D904, E10. Tiến thoái lưỡng nan, các đơn vị của ta chấp nhận hy sinh, dốc toàn lực vượt qua bão đạn, tấn công vào các vị trí của địch.
Sau nhiều giờ chiến đấu dũng cảm, quân ta đã đánh chiếm được điểm cao phía bắc và phía nam, nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được một nửa và đã bị quân địch nhả đạn như mưa rào từ các hầm cố thủ, khiến thương vong rất nặng.
Tham mưu trưởng Lê Sơn Hổ cùng trợ lý tác chiến Bình lao lên tổ chức số cán bộ, chiến sĩ còn lại ở điểm cao phía bắc để đánh sang khu trung tâm, nơi có hệ thống hầm hào cố thủ. Tuy nhiên, mới bắt đầu tấn công, hai đồng chí Hổ và Bình đã bị trúng đạn.
Sau đó các chiến sĩ quyết tử xông lên cũng đều ngã xuống bởi hỏa lực dữ dội của địch. Đến 0h30’ ngày 8/3/1965, quân ta thương vong nhiều. Địch tổ chức lực lượng phản kích khiến lực lượng còn lại của ta tiếp tục hy sinh…
Trước khi quân ta tổ chức tấn công, đồng chí Nguyễn Trọng Ẩm đã chỉ đạo đào sẵn 50 huyệt bên suối Đắk Lốp, cạnh trạm Trung phẫu, cách vị trí địch 8 km để mai táng liệt sĩ sau trận đánh.
Chỉ có 8 thi thể liệt sĩ là được mai táng, trong đó có liệt sĩ Phạm Văn Thành và Tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi. 8 đồng chí bị hy sinh ngay từ đầu trận đánh nên mới đưa ra được phía sau để chôn cất. Về sau, địch phản kích anh em hy sinh gần hết, lực lượng cứu thương cùng dân công hỏa tuyến cũng hy sinh nên không còn người cấp cứu và tải thương ra.
Theo tổng kết từ các đề tài nghiên cứu khả năng tìm mộ thành công của các nhà ngoại cảm chỉ đạt 60%. Tuy nhiên, 40% còn lại không phải hoàn toàn do lỗi của các nhà ngoại cảm mà có nhiều nguyên nhân như: Địa điểm có hài cốt (nơi có nhiều loại sóng, tia đất làm nhiễu xạ thông tin thì khó tìm – PV); sự kiên nhẫn của người đi tìm (nếu người đi tìm mộ không kiên trì, thành tâm hướng đến người chết, tin tưởng vào nhà ngoại cảm thì nhà ngoại cảm rất khó thu nhận thông tin, hoặc thu nhận không chính xác); đặc biệt, những người hay nản chí, phát biểu thiếu xây dựng… không khác gì “khủng bố” (từ của Bích Hằng) các nhà ngoại cảm, khiến họ mất hết khả năng. Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, các nhà ngoại cảm, thân nhân liệt sĩ trong trận đánh K’Nak và Chuyên đề ANTG kêu gọi bạn đọc cả nước chung tay đóng góp xây dựng đài tưởng niệm tại K’Nak và tân trang, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ K’Bang. Hiện tại nghĩa trang liệt sĩ K’Bang quá nhỏ, trong khi đó, các nhà ngoại cảm vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và sẽ còn tìm thấy hàng trăm liệt sĩ nữa trong rừng sâu K’Nak.
Tư vấn xem phong thủy tại TP Vinh Nghệ An Địa chỉ: Số 45 Ngô Gia Tự, Thành phố Vinh Điện thoại: 0915.050.067 E-mail: [email protected] Website: http://phongthuycuocdoi.com